21 Tháng 11

Sâm Cầm – món ngon từ nơi hoang dã

Theo miêu tả trên Sức Khỏe & Đời Sống, sâm cầm là một loài chim cỡ trung bình, thuộc họ gà nước, nặng 0,5-0,8kg, thân bầu, to hơn con le le và nhỏ hơn con vịt trời.

Đầu và cổ phủ lông đen, mắt đỏ. Mỏ nhọn màu vàng nhạt, mào là một cục thịt rộng màu trắng ngà, hơi nhô lên. Lông ở lưng và bụng màu xám, đuôi màu thẫm hơn. Đôi cánh ngắn phớt tím.

Chân cao màu lục xám nhạt, có 4 ngón, 2 ngón giữa có 3 đốt, 2 ngón bên có 2 đốt; các ngón đều có màng mỏng khá rộng.

Theo tờ Đại đoàn kết, sâm cầm sống chủ yếu ở miền Bắc Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, mùa đông mới bay về phương Nam tránh rét.

Từ xưa, sâm cầm là một trong những cống phẩm hàng đầu để tiến vua.

Sâm cầm được cho là có độ bổ dưỡng cao, tăng cường sức khỏe nên thường được dùng để bồi dưỡng sức khỏe, tráng dương.

Thịt chim sâm cầm mềm, màu đỏ tươi, được chế biến rất cầu kỳ thành những món ăn ngon đặc sắc như quay, rán, hầm, nướng.

Ngoài ra, sâm cầm còn được sử dụng nhiều để ngâm rượu.

Rượu sâm cầm dùng làm thuốc mạnh gân xương, chân tay cứng cáp, bớt đau mỏi, lao động khỏe và dai sức, đặc biệt rất tốt cho những người cao tuổi.

Tên gọi sâm cầm bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa: Ở một làng nọ, nhân dân bỗng mắc chứng bệnh kỳ lạ khó chữa. Người bệnh cứ ốm dần, ốm mòn rồi chết mà không có thuốc nào chữa được.

Có cô con gái người thợ săn chợt nhớ đến câu chuyện mà cha kể lại trước đây rằng, ở trên dãy núi Trường Bạch có một loài chim thường ăn rễ của một loài cây cỏ nhỏ, ưa bóng râm và kỵ nước.

Do ăn loại rễ cây này mà chim đã chống chịu được thời tiết khắc nghiệt và bệnh tật.

Cô lập tức lên đường đi tìm thuốc quý về chữa bệnh cho dân làng.

Vượt qua bao đỉnh núi mây phủ, giữa tiết trời băng giá, cô đã đến được núi Trường Bạch, nhưng sức đã kiệt và thiếp đi.

Khi tỉnh dậy, cô nhìn thấy mấy con chim đang đào bới rễ một gốc cây nhỏ gần đó để ăn. Cô nghĩ ngay đó là loài cây mình đang tìm kiếm, bèn bò đến, đào rễ ăn ngấu nghiến vì đang đói và khát.

Thật kỳ lạ, ăn xong, cô thấy người tỉnh táo và khỏe khoắn hẳn lên. Cô rất mừng, bèn đào một số rễ đem về làng phân phát cho những người đang ốm.

Thế là nhờ uống rễ cây này mà dân làng thoát chết và dịch bệnh tiêu tan. Từ đó, người ta đặt tên cho cây thuốc quý đó là nhân sâm và loài chim sinh sống bằng rễ cây này là sâm cầm.